Hoàn thiện nhà đã xây thô tại KĐT Van Phúc, TpHCM.

Tầng tum và số tầng nhà, quy định bạn nên biết khi xây nhà

Khi nào thì tầng tum sẽ tính vào số tầng nhà? Hiểu thế nào là tầng trên mặt đất, tầng hầm, bán hầm, tầng kỹ thuật, tầng áp mái, v/v?

Tầng tum sẽ bị tính vào số tầng nhà khi nào?

Căn cứ tại điểm k, điều 1 thông tư: 07/2019/TT-BXD, hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2020.

+ Số tầng của tòa nhà (hoặc công trình) bao gồm toàn bộ các tầng trên mặt đất (kể cả tầng kỹ thuật, tầng tum) và tầng nửa/ bán hầm, không bao gồm tầng áp mái.

+ Công trình có tầng tum không tính vào số tầng của công trình khi chỉ dùng để bao che lồng cầu thang bộ hoặc giếng thang máy, bao che các thiết bị công trình (nếu có), phục vụ mục đích lên mái và cứu nạn, có diện tích không vượt quá 30% diện tích của sàn mái.

Đối với nhà ở riêng lẻ, tầng lửng không tính vào số tầng của công trình khi diện tích sàn tầng lửng không vượt quá 65% diện tích sàn xây dựng của tầng ngay bên dưới.

Đối với các công trình nhà, kết cấu dạng nhà, công trình nhiều tầng có sàn (không bao gồm nhà ở riêng lẻ), tầng lửng không tính vào số tầng của công trình khi chỉ bố trí sử dụng làm khu kỹ thuật (ví dụ: sàn kỹ thuật đáy bể bơi, sàn đặt máy phát điện, hoặc các thiết bị công trình khác), có diện tích sàn xây dựng không vượt quá 10% diện tích sàn xây dựng của tầng ngay bên dưới và không vượt quá 300m2.

Như vậy, khi thiết kế xin phép xây dựng nhà ở riêng lẻ có tum/ chuồng cu dùng để bao che lồng cầu thang bộ, giếng thang máu, bao che thiết bị công trình mà có diện tích không vượt quá 30% diện tích của sàn mái thì không tính vào số tầng của ngôi nhà.

Thế nào là nhà ở riêng lẻ, chiều cao của nhà, tầng trên mặt đất, tầng hầm, tầng nửa/ bán hầm, tầng kỹ thuật, tầng áp mái, số tầng của tòa nhà (hoặc công trình)?

Điều 1, thông tư 07/2019/TT-BXD định nghĩa về: Nhà ở riêng lẻ, chiều cao của nhà, tầng trên mặt đất, tầng hầm, tầng nửa/ bán hầm, tầng kỹ thuật, tầng áp mái, số tầng của tòa nhà (hoặc công trình) như sau:

+ Nhà ở riêng lẻ là nhà ở được xây dựng trên thửa đất ở riêng biệt thuộc quyền sử dụng hợp pháp của tổ chức, hộ gia đình, cá nhân bao gồm nhà ở biệt thự, nhà ở liền kề và nhà ở độc lập.

+ Chiều cao của nhà, công trình, kết cấu là chiều cao được tính từ cao độ mặt đất tới điểm cao nhất của nhà, công trình, kết cấu. Đối với công trình có cao độ mặt đất khác nhau thì chiều cao tính từ cao độ mặt đất thấp nhất. Cách xác định chiều cao của nhà, công trình, kết cấu trong các trường hợp cụ thể được quy định tại Phụ lục 2 Thông tư 03/2016/TT-BXD”.

+ Tầng trên mặt đất là tầng mà cao độ sàn của nó cao hơn hoặc bằng cao độ mặt đất đặt công trình theo quy hoạch được duyệt.

+ Tầng hầm (hoặc tầng ngầm) là tầng mà hơn một nửa chiều cao của nó nằm dưới cao độ mặt đất đặt công trình theo quy hoạch được duyệt.

+ Tầng nửa/bán hầm (hoặc tầng nửa/bán ngầm) là tầng mà một nửa chiều cao của nó nằm trên hoặc bằng cao độ mặt đất đặt công trình theo quy hoạch được duyệt.

+ Tầng kỹ thuật là tầng bố trí các thiết bị kỹ thuật của tòa nhà. Tầng kỹ thuật có thể là tầng hầm, tầng nửa hầm, tầng áp mái hoặc tầng bất kỳ của tòa nhà.

+ Tầng áp mái là tầng nằm bên trong không gian của mái dốc mà toàn bộ hoặc một phần mặt đứng của nó được tạo bởi bề mặt mái nghiêng hoặc mái gấp, trong đó tường đứng (nếu có) không cao quá mặt sàn 1,5m.

CONSTAR | Xây Mơ Ước, Dựng Niềm Tin